Xu hướng công nghệ tương lai trong thời đại 4.0

huept
13/05/2020

Sorry, this entry is only available in Vietnamese. For the sake of viewer convenience, the content is shown below in the alternative language. You may click the link to switch the active language.

Mỗi sáng thức dậy, bạn sẽ thấy đập vào mắt mình là bài báo về những phát minh mới, những công nghệ mới, những bước tiến mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ. Vậy những công nghệ mới này là gì và chúng ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của bạn? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Cuộc chạy đua công nghệ không chỉ của các nước phát triển

Bên cạnh chiến tranh thương mại, những cuộc đua đưa người vào không gian, hay gần đây nhất là cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19, luôn có sự đồng hành của một cuộc đua dai dẳng giữa các nước, cuộc đua công nghệ.

Không chỉ ở những nước phát triển như Mỹ với thung lũng Silicon đình đám, mà những nước luôn giữ khư khư “sổ hộ nghèo” như Trung Quốc cũng bứt tốc trong cuộc chiến này. Bỏ qua những bê bối đánh cắp thông tin, sự chia bè kéo phái trên thế giới mạng, hay chính sách hợp nhất quân sự gây tranh cãi, không thể phủ nhận những phát triển công nghệ vượt bậc mà các nước này mang lại.

Công nghệ thay đổi tương lai nhân loại

Những công nghệ hiện đại đang thay đổi toàn thế giới với tốc độ chóng mặt. Chúng thay đổi cục diện của nhiều ngành công nghiệp và được kỳ vọng sẽ định hình thế giới công nghệ số trong tương lai.

Trí tuệ nhân tạo AI

Bạn chắc hẳn đã nghe đến cụm từ này không ít lần. Không phải tự nhiên mà trí tuệ nhân tạo là một trong những sân chơi hội tụ nhiều ông lớn. Đây được xem là một xu hướng công nghệ của tương lai, khi mà các doanh nghiệp nắm trong tay công nghệ này sẽ nắm được nhiều cơ hội lớn.

Trí tuệ nhân tạo có mặt trong hầu hết các ngành nghề kinh doanh. Trong sản xuất, trí tuệ nhân tạo được vận dụng vào các công cụ để xây dựng giải pháp vận hành, xuất-nhập kho.

Trong tương lai, robot thay thế con người từ những công việc từ đơn giản đến phức tạp. Cánh tay robot, xe hơi tự động lại, các “nhà thám hiểm” robot ở những khu vực nguy hiểm mà con người không thể tiếp cận,…, trí tuệ nhân tạo đang dần xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống.

Trong mảng dịch vụ, đã có rất nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ra đời. Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ giúp người dùng tự giữ gìn sức khỏe đến các ứng dụng trong cơ sở y tế phục vụ việc chẩn đoán, ra quyết định, điều trị và phục vụ mục đích nghiên cứu.

Trí tuệ nhân tạo còn đóng góp trong mảng thương mại điện tử ở nhiều khâu khác nhau từ quảng cáo, tiếp cận, chăm sóc khách hàng đến quản lý bán hàng, quản lý kho, vận chuyển hàng hóa,… Hơn thế nữa, người ta còn ứng dụng công nghệ AI vào phần mềm hỗ trợ thử quần áo thời trang online.

Smart Fashion App
Smart Fashion – Ứng dụng thời trang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo – Ảnh: Smartfashion.ai.

Công nghệ Blockchain

Blockchain được hiểu là một cuốn sổ cái, nơi hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (block) theo thứ tự thời gian được liên kết với nhau nhờ mã hóa. Nó không được sửa đổi và được chia sẻ với tất cả những người tham gia trong mạng, chỉ cần họ có mã. Nhờ tính bảo mật cao này, chuỗi khối Blockchain được ứng dụng trong ngành tài chính, chính phủ, chuỗi cung ứng, sản xuất,…

Công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain cho phép người dùng kiểm tra giao dịch và làm việc với những đối tác có độ tin cậy thấp mà không cần thông qua trung gian.

Ngoài cryptocurrency (tiền ảo), công nghệ Blockchain còn giúp các ngân hàng kiểm soát các giao dịch bảo mật một cách nhanh chóng. Hơn thế nữa, nhờ áp dụng blockchain, thời gian thanh toán giao dịch giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính phủ giảm đi đáng kể.

Mạng 6G

Trong lúc một bộ phận người dân Anh đốt các trạm phát 5G vi cho rằng chúng là nguồn lây lan virus COVID-19, một số nước trên thế giới đã rục rịch khởi động cuộc đua mạng 6G.

Công nghệ này nhen nhóm từ bức ảnh hố đen vũ trụ – thành tựu khoa học của nhân loại. Lúc này, các nhà khoa học tính đến chuyện phải vận chuyển nửa tấn ổ cứng chứa khoảng 5 triệu gigabyte dữ liệu bằng xe tải và máy bay thay vì Internet. Tại sao lại có sự lạc hậu như vậy trong việc lưu giữ một thành tựu khoa học? Chính vì lẽ đó, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về một công nghệ viễn thông chất lượng cao hơn cả 5G.

Hố đen vũ trụ
Hình ảnh hố đen vũ trụ do NASA công bố – Ảnh: NASA.

Theo nghiên cứu của Đại học Oulu (Phần Lan), phải đến năm 2030 thì loại công nghệ viễn thông thế hệ 6G này mới có thể được đưa vào sử dụng. Hiện nay chúng vẫn đang trong giai đoạn thai nghén với rất nhiều trở ngại kỹ thuật cần phải vượt qua như thiết kế phần cứng, cơ sở hạ tầng, tác động môi trường,…

Nền tảng Internet Vạn Vật (Internet of Things – IoT)

Internet Vạn Vật còn đc gọi là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet. Trong kịch bản này, mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh riêng. Tất cả sẽ dùng định danh này để truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác giữa người-người hay người-máy tính.

Đây là một nền tảng đóng vai trò quan trọng với hệ sinh thái phức tạp, hoạt động theo công thức B-B-C (Doanh nghiệp – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng). Các nhà cung cấp IoT cung cấp các phần mềm đặc thù cho các công ty, để họ sử dụng nó trang bị cho sản phẩm của họ chức năng điều khiển từ xa, chức năng quản lý thời gian thực, các dịch vụ đám mây, khả năng tích hợp các thiết bị thông minh,…

Công nghệ VR và AR và “đứa con chung” MR

Công nghệ thực tế ảo (VR – Virtual Reality) là những mô phỏng 3D do máy tính tạo ra. Người dùng có thể tương tác vô mô phỏng này thông qua các thiết bị đầu vào và đầu ra được hỗ trợ.

Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR – Augmented Reality) thì lại khác một chút. Mặc dù vẫn trên cơ sở là các sản phẩm ảo, nhưng nó lại có cơ chế và cách hoạt động dựa vào thực tế. AR là công nghệ cho phép lồng ghép thông tin ảo vào thế giới thực và ngược lại. Ví dụ, game Pokémon Go là một trò chơi ảo nhưng tọa độ của nó lại đều được lấy từ thực tế.

Một xu hướng công nghệ mới là Thực tế hỗn hợp (MR – Mixed Reality) là sự kết hợp giữa thế giới thực và thế giới ảo để tạo ra môi trường và hình ảnh hóa mới. Nói một cách dễ hiểu thì đây là sự kết hợp của VR và AR. Nó tạo ra môi trường mới mà tại đó các vật thể thật và ảo cùng tồn tại, tương tác lẫn nhau và tương tác với người dùng trong thời gian thực.

Công nghệ này sẽ mang lại rất nhiều ứng dụng trong tương lai. Người dùng có thể chia sẻ không gian làm việc ảo trong thế giới thực, tăng tính tương tác giữa các đồng nghiệp. Ngoài ra, nó còn có thể áp dụng để việc huấn luyện từ xa mang lại kết quả tốt hơn.

MR - công nghệ mới
MR là sự kết hợp đáng mong đợi của VR và AR – Ảnh: 8ar.appearition.com.

Kết luận

Mỗi loại công nghệ đều sở hữu những tính năng riêng, phục vụ mục đích khác nhau, và hướng tới thế giới hoàn toàn khác nhau. Thời đại công nghệ 4.0 sẽ kéo theo sự tiến bộ vượt bậc của nhiều ngành công nghệ mới hơn nữa. Hãy đón đầu xu hướng và luôn cập nhật để không trở thành “kẻ bị bỏ lại” nhé!