Thị trường thời trang giai đoạn khủng hoảng: Con đường nào để tồn tại lâu dài?

Hanhtntn
17/11/2020

Sorry, this entry is only available in Vietnamese. For the sake of viewer convenience, the content is shown below in the alternative language. You may click the link to switch the active language.

2020 được xem là “cơn ác mộng” đối với nền kinh tế thế giới. Dịch bệnh do virus Corona hoành hành trong suốt gần một năm đã khiến hàng triệu doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đứng trước nguy cơ phá sản. Thời trang – một trong những lĩnh vực mang lại tỷ trọng lợi nhuận khá lớn cũng đã và đang hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề, bao gồm cả thị trường Việt Nam.

Nhu cầu về mặt hàng thời trang giảm trầm trọng

Hoạt động du lịch đem về nguồn thu khá lớn cho ngành thời trang. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều nước phải ra lệnh đóng cửa biên giới. Điều này dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn doanh thu từ du lịch của các cửa hàng thời trang khi mà lượng khách nay đã không còn tấp nập như trước đây.

 Thành phố New York
New York – Thành phố du lịch hàng đầu thế giới rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách du lịch do dịch Covid-19. Hình ảnh: Unsplash @ml1989.

Sự đóng cửa của hàng loạt các cửa hàng, doanh nghiệp khiến cho tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng lên, thu nhập người lao động cũng từ đó bị cắt giảm. Ngoài ra, việc cách ly xã hội cũng khiến cho hoạt động vui chơi hay du lịch tạm thời ngủ đông. Vì thế, nhu cầu trưng diện mỗi lần ra ngoài gần như chạm đáy.  Tình thế này buộc người dân đặt nhu cầu chi tiêu cho nhu yếu phẩm lên hàng đầu. Siêu thị, mini mart cho tới những địa điểm họp chợ đều tấp nập người qua lại trong khi những trung tâm mua sắm sang trọng lại rơi vào cảnh đìu hiu đến đáng sợ.

Hậu quả là, hàng loạt các hãng thời trang bán lẻ đã phải đóng cửa chi nhánh tại các trung tâm thương mại để hạn chế rủi ro thua lỗ. Thậm chí, một số nhãn hàng còn nộp đơn phá sản do không thể trang trải chi phí vận hành cũng như thuê mặt bằng trong mùa đại dịch. Những cái tên đình đám trong danh sách nạn nhân của đại dịch có thể kể đến như Tommy Hilfiger, JCPenney hay  Centric Brands và rất nhiều thương hiệu khác cũng không thể trụ nổi khi dịch bệnh hoành hành.

Doanh nghiệp nhanh chóng tìm cách “sống chung với dịch”

Đứng trước tình thế khó khăn, nếu không biết cách thích ứng để “sống chung với dịch”, nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp thời trang là không thể tránh khỏi. Chính vì thế, hàng loạt các nhãn hàng thời trang đã tiến hành chuyển hình thức kinh doanh từ offline sang online. Đây là kiểu kinh doanh tuy không còn mới nhưng hiệu quả mà nó mang lại đã một phần nào giúp chủ doanh nghiệp trang trải chi phí suốt mùa dịch. Theo tập đoàn Kering (chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang xa xỉ như Gucci, YSL, Alexander McQueen…), việc bán hàng trực tuyến tăng 72% trong Quý 2 năm 2020. Tuy con số này chỉ đạt 13% so với doanh thu đến từ việc bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng nhưng nó đã phần nào cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận cho phân khúc mua hàng online.

 phương thức mua bán  online
Mua hàng online trở thành phương thức mua bán chính cho mặt hàng thời trang khi dịch bệnh bùng nổ. Hình ảnh: Unsplash.

Việc chuyển hình thức kinh doanh cũng chính là bước đầu cho việc cắt giảm chi phí cố định cho các nhãn hàng thời trang. Vì lượng người mua sắm ghé thăm cửa hàng hầu như bằng 0 nên nhiều nhãn hàng đã quyết định tạm đóng cửa những cửa hàng phân phối, thậm chí là trả mặt bằng để cắt giảm chi phí và duy trì trạng thái hoạt động.

Bên cạnh việc cắt giảm chi phí, chính sách đãi ngộ với khách hàng cũng được các doanh nghiệp kinh doanh thời trang ưu tiên hàng đầu. Hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá, mua kèm liên tục được tung ra. Nhiều chủ cửa hàng còn chấp nhận bán lỗ nhằm mục đích bán được nhiều sản phẩm và cải thiện doanh thu trong giai đoạn khó khăn này.

Con đường nào để tồn tại lâu dài?

Đối diện với khủng hoảng đòi hỏi những người kinh doanh lĩnh vực thời trang cần có những kế hoạch, bước đi kịp thời và đôi khi là đánh đổi để có thể trụ vững. Xu hướng thời trang luôn luôn thay đổi và không ngừng đổi mới theo thời gian. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã dẫn tới việc sản xuất hàng loạt, gây ra tình trạng tồn kho và gia tăng chi phí kho bãi. Đặc biệt, việc sản xuất số lượng lớn sản phẩm với số lượng không đáng kể được bán ra cũng là vấn đề nan giải cho các chủ doanh nghiệp.

Tại thời điểm khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh thời trang không nên duy trì tình trạng này bởi nó có thể gây ra sự thiếu hụt ngân sách và thậm chí phải tiêu hủy hàng đã sản xuất để bắt kịp xu hướng hiện thời. Vì thế, các doanh nghiệp thời trang nên cân nhắc kỹ càng trước khi tiến hành sản xuất. Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ hành vi khách hàng cũng là bước quan trọng giúp các nhãn hàng sử dụng hợp lý ngân sách và ổn định chi phí cần thiết cho việc duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, việc tạo dựng mối quan hệ tốt với khách hàng cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Cơ hội mang đến dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất khi việc mua sắm trực tiếp không thể diễn ra sẽ giúp các doanh nghiệp tạo thiện cảm và niềm tin đối với khách hàng. Ngoài ra, nếu việc này được làm tốt, đó cũng sẽ là điểm cộng lớn giúp tên tuổi các nhãn hàng đến gần hơn với khách hàng tiềm năng, tạo tiền đề cho sự phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Ngoài ra, những người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ đã và đang cố gắng tạo ra sản phẩm giúp cho việc rao bán và mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh diễn ra dễ dàng hơn. Với sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng nay đã không cần ra khỏi nhà để mua sắm, thậm chí họ có thể thử ngay những món đồ yêu thích trên chiếc điện thoại quen thuộc. Điển hình có thể kể đến Smart Fashion, ứng dụng cho phép chủ các cửa hàng thời trang đăng bán sản phẩm trên gian hàng của app chỉ với vài bước đăng ký đơn giản. Đặc biệt, ứng dụng còn cung cấp cho người mua sắm tính năng “Thử đồ” giúp bạn mặc đồ ngay trên điện thoại. Người mua sắm sẽ dễ dàng hình dung được mình trông như thế nào khi mặc những item này.

thử đồ mua sắm Smart Fashion
Smart Fashion cho phép người dùng thử đồ và mua sắm mà không cần ra ngoài. Hình ảnh: Smart Fashion.

Đây được xem là một trong những bước tiến lớn trong công nghệ giúp bảo vệ sức khỏe người mua sắm cũng như tiết kiệm chi phí mặt bằng cho rất nhiều cửa hàng. Nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững, thử và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh giúp rút ngắn khoảng cách giữa người dùng và doanh nghiệp là việc không nên bỏ qua.

Lời kết

Thị trường thời trang đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong năm 2020. Để tiếp tục tồn tại và có thể phục hồi sau khủng hoảng, doanh nghiệp kinh doanh thời trang cần có những kế hoạch và cập nhật kịp thời xu hướng để đảm bảo duy trì hoạt động. Đặc biệt, thúc đẩy và ứng dụng công nghệ vào hoạt động mua bán cũng là việc nên được tăng cường để có thể trụ vững qua đại dịch toàn cầu năm nay.