Tỉnh táo với những chiêu trò lừa đảo trong mua sắm online

Hanhtntn
31/10/2020

Trong thời đại công nghệ số, mua sắm online đang trở thành xu hướng được phần lớn người tiêu dùng lựa chọn bởi sự nhanh chóng và tiện lợi. Sự nở rộ của hình thức mua bán này cũng đã dấy lên vấn nạn lừa đảo tinh vi của những cá nhân kinh doanh bất chính trục lợi người mua hàng nhẹ dạ cả tin. Để thực hiện các chiêu trò lừa đảo, các chủ kinh doanh thường áp dụng rất nhiều cách và tập trung chủ yếu vào một số hình thức nhất định.

Giả mạo tài khoản bán hàng có uy tín

Đây là chiêu trò lừa đảo khá tinh vi mà những đối tượng thực hiện sử dụng rất nhiều thủ thuật nhằm đánh lừa người mua sắm. Kiểu lừa đảo này xuất hiện chủ yếu trên nền tảng Facebook với gần 70 triệu người dùng tại Việt Nam (tính đến năm 2020). Những trang bán hàng nổi tiếng bị những cá nhân kinh doanh bất chính lập fanpage hoặc website giả mạo với tên, hình ảnh và logo giống hoặc gần giống với tài khoản chính thức. Ngoài ra, các trang giả mạo đó còn tung ra các thông báo trúng thưởng hoặc các chương trình khuyến mãi giá sốc nhằm cố tình gây nhầm lẫn và lừa khách hàng mua sản phẩm kém chất lượng.

Giả mạo tài khoản
Các trang giả mạo của một số nhãn hàng nổi tiếng trên Facebook với hình ảnh, tên và logo tương tự trang bán hàng chính thức. Hình ảnh: Chụp từ một số trang bán hàng giả mạo.

Nghiêm trọng hơn là những trường hợp lừa đảo yêu cầu chuyển tiền đặt cọc sau khi người tiêu dùng xác nhận mua hàng. Đối tượng lừa đảo câu kéo nạn nhân bằng cách mang đến những chương trình giảm giá khủng và yêu cầu khách hàng chuyển khoản đặt cọc để lấy hàng. Một thời gian sau, mọi thông tin liên lạc với người bán bỗng dưng bốc hơi, và khoản tiền đã được chuyển cũng theo đó không cánh mà bay.

Treo đầu dê bán thịt chó

Mua sắm online được thực hiện chủ yếu qua các nền tảng thương mại điện tử hoặc những trang bán hàng online. Chính vì thế, người tiêu dùng không thể biết chính xác được nguồn gốc cũng như xác định được chất lượng sản phẩm. Lợi dụng kẽ hở này, những cá nhân cạnh tranh không lành mạnh đã thực hiện hành vi tráo đổi hàng hóa nhằm trục lợi từ người mua hàng.

Sau khi đặt hàng, chủ shop tiến hành giao sản phẩm nhưng chúng lại không đúng với những mô tả như đã rao bán trên các trang bán hàng. Nếu người mua hàng không chú ý và mua hàng theo niềm tin giữa hai bên thì sẽ không thể tránh khỏi trường hợp nhận phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Thậm chí, họ còn phải há hốc ngạc nhiên khi nhận được gói hàng không hề có mối liên kết với những gì mà chủ shop đã quảng cáo.

Treo đầu dê bán thịt chó
Tình trạng treo đầu dê bán thịt chó thường thấy khi mua sắm trực tuyến. Hình ảnh: Từ Facebook của một khách hàng mua sắm online.

Ăn cắp thông tin người mua hàng

Đây là một trong những vấn nạn khiến cho người bán hàng online chân chính không khỏi đau đầu. Tình trạng ăn cắp thông tin khách hàng thường xảy ra tại các trang bán hàng hoặc tài khoản cá nhân hoạt động kinh doanh trên Facebook. Nếu người mua hàng để lại thông tin liên lạc hoặc bình luận để lấy thông tin sản phẩm thì những đối thủ của người bán hàng sẽ lập tức tìm cách liên hệ và rỉ tai những lời rao bán đường mật mặt hàng tương tự với giá rẻ hơn. Nếu không tỉnh táo và ham mua hàng giá rẻ, người mua sẽ dễ dàng lọt vào bẫy và hậu quả là phải nhận những sản phẩm kém chất lượng.

Cần tỉnh táo hơn khi mua sắm online

Đã có không ít người trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo khi mua sắm trực tuyến. Hành vi của các đối tượng kinh doanh không chân chính tuy không quá tinh vi và phức tạp nhưng nếu không tỉnh táo và đề phòng, người mua hàng vẫn rất dễ mắc câu và chịu thiệt thòi. Vì thế, để hạn chế rủi ro, người mua hàng nên tham khảo một số lời khuyên sau:

Xác nhận thông tin bên bán hàng

Khi tiếp cận một địa chỉ bán hàng online, hãy kiểm tra kỹ các thông tin thiết yếu như tên, giấy phép kinh doanh hoặc mã số thuế đối với các hãng lớn. Nếu thấy có dấu hiệu giả mạo hoặc lừa đảo, người mua có thể báo ngay với các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.

Xác nhận thông tin bên bán hàng
Các địa chỉ bán hàng uy tín thường cung cấp đầy đủ thông tin giúp người mua sắm yên tâm hơn. Hình ảnh: Chụp từ một số trang bán hàng chính thức trên Facebook.

Đối với các cá nhân bán lẻ, thông tin liên lạc như địa chỉ, số điện thoại nên được kiểm chứng rõ ràng. Bạn cũng nên yêu cầu bên bán cung cấp các điều khoản bảo hành, đổi trả hàng hoặc hoàn tiền phòng khi có trục trặc xảy ra trong quá trình giao và nhận hàng.

Tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi đặt hàng

Đây là việc làm quan trọng không kém phần khi mua sắm online. Người mua hàng cần tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm qua Internet như nguồn gốc, công dụng và các đánh giá từ những người mua hàng trước để có cái nhìn tổng quan hơn và tránh tình trạng mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Biện pháp khả thi hơn là yêu cầu người bán hàng tự quay hoặc chụp hình ảnh sản phẩm. Việc làm này sẽ giúp hạn chế tình trạng ăn cắp hình ảnh của những thành phần lừa đảo. Người mua hàng cũng sẽ yên tâm hơn với độ uy tín của bên cung cấp và hạn chế tình trạng đặt hàng một kiểu và nhận hàng một kiểu.

Tránh để lộ thông tin trên các trang mua sắm

Việc để lộ thông tin tạo cơ hội béo bở cho những cá nhân kinh doanh bất chính lợi dụng kẽ hở để cạnh tranh không lành mạnh. Người mua rất dễ bị dụ dỗ mua sản phẩm kém chất lượng và rơi vào tình trạng cháy túi nếu những đối tượng này tiếp cận và rao bán hàng hóa. Vì vậy, tốt nhất thông tin cá nhân không nên được để công khai, đặc biệt là trong những bài đăng bán hàng của các địa chỉ kinh doanh online.

Ngoài ra, nếu muốn được tư vấn về sản phẩm, người mua cũng có thể nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp cho người bán để được giải đáp kịp thời. Việc này sẽ hạn chế cao nhất khả năng bị lộ thông tin vào tay những đối tượng chuyên ăn cắp thông tin và lừa đảo người mua sắm.

Sử dụng các ứng dụng mua sắm online

Với nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, đã có không ít những ứng dụng hỗ trợ người mua sắm online ra đời. Người tiêu dùng chỉ cần tìm tên sản phẩm, xem qua ảnh và thậm chí còn dễ dàng so sánh giá giữa các gian hàng để đưa ra quyết định mua sắm phù hợp. Nếu có vấn đề về sản phẩm như hàng lỗi, hư hại trong khi vận chuyển hay giao nhầm sản phẩm thì khách hàng sẽ được hỗ trợ đổi trả kịp thời và thỏa đáng nhất.

Những cái tên nổi bật có thể kể đến hiện nay như Shopee, Tiki, Lazada… Đây là các trang thương mại điện tử hỗ trợ mua hàng online với hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng từ thời trang đến đồ da dụng, sách vở… Với mặt hàng thời trang có thể kể đến ứng Smart Fashion – ứng dụng cho phép người dùng thử đồ trực tuyến và mua sắm chỉ với một vài thao tác vô cùng đơn giản và rất uy tín.

Sử dụng các ứng dụng mua sắm online
Ứng dụng Smart Fashion cho phép người mua sắm thử đồ trực tiếp trên app. Hình ảnh: Smart Fashion.

Thực tế có rất nhiều dạng lừa đảo trong mua sắm online và nếu không nắm bắt được thông tin thì người mua rất dễ mất tiền trên không giản ảo. Hy vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin hữu ích giúp bạn trải nghiệm mua sắm online an toàn và thú vị hơn. Đừng quên theo dõi Smart Fashion và cập nhật tin tức hay nhất về thời trang và công nghệ nhé.